Sau tháng 1 xuất khẩu tỷ USD, doanh nghiệp ngành gỗ nội thất đã có đơn hàng đến tháng 4, một số đến tháng 9 với dự báo lạc quan.
“Chúng tôi vừa có đơn hàng lớn, xuất 600 căn nhà gỗ lắp ghép đi Hawaii, ông Võ Xuân Thuyên, Giám đốc điều hành Trần Đức Homes cho biết. Có nhà máy tại Bình Dương, công ty ông đã kín đơn hàng nhà gỗ lắp ghép đến tháng 6.
“Thị trường Mỹ và Canada hứa hẹn vì là mảnh đất màu mỡ. Tại Canada, nhu cầu nhà ở đang rất lớn”, ông đánh giá. Ngoài nhà gỗ lắp ghép, phân khúc đồ nội thất của công ty xuất đi Mỹ và châu Âu đã kín đơn hàng đến tháng 9. Họ đang chuẩn bị mở rộng nhà máy thêm 12 ha để nhận đơn.
Theo Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) Nguyễn Quốc Khanh, nhiều công ty trong ngành đã phục hồi 80 – 90% và có đơn đặt hàng đến tháng 4 – 5. Tình hình xuất khẩu đã có tín hiệu khả quan từ đầu năm.
Gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong nhóm ngành nông, lâm, thủy sản mang về hơn tỷ USD chỉ trong tháng đầu 2024, đạt 1,5 tỷ USD. Tính chung cả 2 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 44%.
Chuyển biến tích cực sau khi ngành này xuất khẩu 14,3 tỷ USD năm ngoái, giảm 15,8% so với 2022 và không đạt mục tiêu 17,5 tỷ USD. Năm nay, ngành gỗ đặt lại mục tiêu này trong bối cảnh các doanh nghiệp, chuyên gia lạc quan hơn, nhất là thị trường Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa kim ngạch.
Ban tổ chức cho hay sự kiện năm nay mở rộng quy mô gấp 3 lần so với 2023, quy tụ hơn 500 doanh nghiệp, với hơn 80% là sản xuất trong nước. Mặt bằng tại TP Thủ Đức sẽ chuyên giới thiệu các thiết kế đột phá từ các thương hiệu nội thất – phụ kiện – vật liệu, xây dựng cộng đồng các nhà thiết kế tài năm.
“Thỏa hiệp với danh xưng công xưởng gia công quốc tế là tư duy cần được gạt bỏ. Vì thế, tận dụng thời điểm Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ toàn cầu cùng hàng loạt nhà máy mới được khởi công năm nay, chúng tôi muốn phô diễn thực chất năng lực hiện nay của ngành”, ông Nguyễn Quốc Khanh nói.
Các doanh nghiệp nhận ra việc duy trì một nhóm khách hàng cố định, tập trung gia công hay chuyên biệt vào một kênh bán duy nhất là tự lấy dây buộc mình. “Chúng ta không phải ở thời kỳ gia công nữa mà phải tăng cường chất xám”, ông Đặng Áng, Đại diện Asahi, doanh nghiệp Nhật Bản có nhà máy tại Việt Nam nói.
Về phần mình, ông Võ Xuân Thuyên của Trần Đức Homes cũng tiết lộ không phải một sớm một chiều mà bắt đầu nhận quả ngọt từ phân khúc nhà gỗ lắp ghép. “Chưa ai nghĩ tới đưa căn nhà từ Việt Nam sang Mỹ lắp ráp. Thật ra không phải một hai năm mà chúng tôi đã ấp ủ từ 11 năm trước và chuẩn bị các bước để đáp ứng các tiêu chuẩn khó khăn của thị trường này”, ông nói.